Lượt xem: 2235

Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc, một tấm gương cộng sản mẫu mực

29 tuổi đời, hơn 13 năm hoạt động cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, 2 năm làm Tổng Bí thư, tài năng và những cống hiến to lớn, phẩm chất chính trị kiên cường, đức hy sinh cao cả của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã để lại cho Đảng ta một tấm gương sáng về tinh thần đấu tranh cách mạng của một người lãnh đạo với tài năng xuất sắc.

    Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 09-7-1912 quê ở thôn Cẩm Giàng, Đồng Nguyên, Từ Sơn, Bắc Ninh. Là hậu duệ của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm.

    Đầu năm 1928, Nguyễn Văn Cừ được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Hà Nội. Năm 1930, đồng chí làm Bí thư đầu tiên đặc khu Hòn Gai - Uông Bí. Sau đó, đồng chí bị địch bắt, kết án khổ sai đày ra Côn Đảo. Trong nhà tù, Nguyễn Văn Cừ tranh thủ học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, viết báo và trở thành một cán bộ lý luận xuất sắc. Năm 1936, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được trả tự do, năm 1937 đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1938 (26 tuổi), với cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng - là Tổng Bí thư trẻ nhất trong lịch sử của Đảng ta, đồng chí chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ sáu.


Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

    Là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng trong một giai đoạn cực kỳ phức tạp và gian khó, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những đóng góp quyết định trong việc vạch ra chiến thuật và chiến lược của cách mạng Việt Nam, để đưa phong trào đấu tranh của dân tộc lên một tầm cao mới vào những năm sau đó.

    Với khả năng nhạy bén, nắm bắt tình hình trong nước và ngoài nước, thêm vào đó là trình độ lý luận chính trị xuất sắc, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo thay đổi chiến lược cách mạng, tạo ra bước ngoặt quan trọng - giai đoạn cách mạng những năm 1938 - 1942, giai đoạn cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ.

    Nhận thấy tình hình quốc tế đang có những chuyển biến bất lợi cho cách mạng Việt Nam và Đông Dương, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã sớm đặt vấn đề chuyển hướng chiến lược của Đảng; chỉ đạo cho phát hành cuốn “Công tác bí mật của Đảng” kịp thời gửi tới Đảng bộ các cấp; trực tiếp triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng Xứ ủy Bắc kỳ.

    Chỉ hai tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ, đồng chí đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ sáu, Hội nghị đã quyết định chuyển toàn bộ hoạt động công khai và bán công khai của Đảng vào bí mật, quyết định khẩu hiệu đấu tranh, hình thức đấu tranh, mục tiêu và lực lượng cách mạng, vấn đề mặt trận và vấn đề chính phủ sau này, cũng như thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng. Có thể nói, Hội nghị Trung ương sáu đã ghi nhận bước đầu Đảng đã trở lại với các quan điểm của đồng chí Nguyễn Ái Quốc nêu ra thời kỳ thành lập Đảng, chuyển hướng chỉ đạo chiến lược khi bối cảnh lịch sử trong nước và quốc tế thay đổi nhanh chóng. Điều này thể hiện tư duy chính trị hết sức nhạy bén và năng lực sáng tạo của người Tổng Bí thư trẻ tuổi Nguyễn Văn Cừ.

    Nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Đảng, phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng mới, lực lượng cách mạng cũng tránh được tổn thất to lớn khi kẻ địch trở mặt đàn áp, góp phần đưa đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám lịch sử.

    Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cũng đã sớm hiểu rõ được tầm quan trọng của công tác tự phê bình và phê bình trong xây dựng đội ngũ cách mạng. Với bút danh Trí Cường, tháng 7 năm 1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cho ra mắt cuốn “Tự chỉ trích” để làm sáng tỏ hơn những vấn đề cần bàn bạc xung quanh công tác này.


Tác phẩm “Tự chỉ trích”

    Tác phẩm “Tự chỉ trích” đã thể hiện sự minh triết trong tư duy chính trị của một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, tài năng xuất sắc, đồng thời thể hiện chất trí tuệ sáng ngời của Đảng ta trong việc làm giàu thêm kho tàng lý luận học thuyết Mác-Lênin. Nói về tác phẩm “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết: “…Với bút danh Trí Cường, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết và cho in tác phẩm Tự chỉ trích, trong đó đưa ra những nguyên lý tự phê bình và phê bình Mác-xít, kết hợp một cách nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ thẳng thắn phê phán tư tưởng cải lương, thỏa hiệp, hữu khuynh, đồng thời cũng đả phá căn bệnh cô độc, hẹp hòi còn tồn tại trong Đảng. Đối với bọn Tờ-rớt-kít, đồng chí Nguyễn Văn Cừ vạch rõ: “Xét đến cốt tủy của chúng thì chúng chỉ gồm những cặn bã của phong trào, nhóm họp nhau để chống cộng sản, chống cách mệnh, chia rẽ và phá hoại phong trào quần chúng”…

    Có thể nói tác phẩm Tự chỉ trích của Nguyễn Văn Cừ là một cống hiến vô cùng to lớn, góp phần vào cuộc đấu tranh tư tưởng của Đảng, thể hiện một tư duy chính trị uyên bác và nhãn quan trí tuệ cộng sản sáng ngời”.

    Rạng sáng ngày 17-01-1940, tại số nhà 312 đường Nguyễn Tấn Nghiệm (nay là đường Trần Đình Xu), mật thám pháp đã vây bắt được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Lê Duẩn cùng nhiều cán bộ cách mạng. Tên Bazin trùm mật thám Nam Kỳ trực tiếp hỏi cung và tra tấn dã man đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhưng đều không có kết quả. Cuối năm 1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần… bị chính quyền thực dân mở nhiều phiên tòa, kết tội ở nhiều bản án khác nhau.


Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ ở xã Phù Khê - thị xã Từ Sơn - Bắc Ninh.

    Sáng sớm ngày 28-8-1941, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng bị địch xử bắn tại Ngã Ba Giồng, xã Tân Thới Nhất, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Tại pháp trường, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã kiên quyết xé tấm băng đen bịt mắt và hô lớn “Cách mạng Đông Dương thành công muôn năm!” Khi đó, đồng chí Nguyễn Văn Cừ mới 29 tuổi

    Tấm gương hy sinh của đồng chí Nguyễn Văn Cừ mãi mãi là niềm tự hào của Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam./.

Quốc Hùng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 37
  • Hôm nay: 387
  • Trong tuần: 67,707
  • Tất cả: 11,851,896